Người lính thời bình và âm nhạc để nhớ, để quên

Datnuoc.com.vn - Từ bài hát trữ tình “Vết chân tròn trên cát” được nhạc sĩ Trần Tiến viết năm năm 1981 cho đến bản rock “Hai người lính” của Trần Toàn K300...

Từ bài hát trữ tình “Vết chân tròn trên cát” được nhạc sĩ Trần Tiến viết năm năm 1981 cho đến bản rock “Hai người lính” của Trần Toàn K300 ra đời vào năm 2005 là những đi sâu vào câu chuyện của người lính thời bình, về những mất mát và hào hùng nhưng vẫn trìu mến và thiết tha với cuộc đời.

1. “Nếu bạn đi cùng tôi qua Trường Sơn và đi tiếp con đường vô tận sau Trường Sơn, theo dấu chân người lính. Nếu bạn trót nhìn thấy hàng vạn nấm mồ liệt sĩ, thấp thoáng sau những rặng cây làng quê Việt Nam, những nấm mộ có tên hay mãi mãi không tên…” Nhạc sĩ Trần Tiến đã viết vậy trong tập Ngẫu hứng (First News, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016) về những người lính, về những người đồng đội của người nhạc sĩ đã nằm lại trên chiến trường. Nhưng lâu lâu, trong giấc mơ, những người đồng đội đã nằm xuống đất mẹ ấy lại hiện về. Một trong những giấc mơ như thế, nhạc sĩ kể lại thế này:

“Lâu lắm rồi, đêm qua nó lại hiện về.

- Sao mày ở thiên đường mà vẫn mặc áo lính?

- Quen mất rồi Tiến ạ, mặc cái gì cũng thấy khó chịu, dù đẹp đến mấy cũng thấy thiếu cái gì đấy. À, mùi cỏ úa chẳng hạn.

- Ừ nhỉ, cái mùi ẩm mốc của rừng già, cái mùi hôi của thuốc lá Tà-ôi. Mùi mồ hôi và mùi dính... ngày ấy.

Người lính thời bình và âm nhạc để nhớ, để quên
Nhạc sĩ Trần Tiến (trái) và Trần Toàn K300

Tỉnh dậy, nó lại đi rồi. Nhìn qua cửa sổ, có gì đó vừa bay đi như một vệt sao màu cỏ úa.”

Mơ mà ngỡ như thật. Bởi những người lính nhìn thấy nhau và cảm nhận về đồng đội của mình, về một thời đạn bom qua màu và qua mùi. Đó trước hết là màu: màu áo lính, màu hoa đỏ... Đó còn là mùi: mùi cỏ úa, mùi của rừng già, mùi thuốc lá. Gian khó là thế mà lúc nào cũng đầy ắp tình người, tình yêu đất nước, dẫu phải nằm lại, dẫu lành lặn hay tàn phế ngày trở về. Chiến tranh đã qua đi nhưng những anh hùng dân tộc sẽ luôn được ghi nhớ, ghi ơn.

Những người lính trở về từ chiến trường, họ lại bắt đầu cuộc đời mới. Có người lính trở thành doanh nhân lại có người làm quan, cũng có người trở thành nhạc sĩ, hay làm nông. Trong một lần “đi qua Trường Sơn”, nhạc sĩ Trần Tiến đã đến một xóm nhỏ không tên bên một ngọn núi không tên, nơi người thương binh già “vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”. Hình ảnh giản dị mà lan ra sự trìu mến, cái man mác như nhịp độ (andante) mà nhạc sĩ Trần Tiến đã đặt vào bài hát Vết chân tròn trên cát của mình.

Vết chân tròn trên cát ấy, là dấu của chiếc nạng lún xuống để rồi lại được gió trời trả lại vẻ nguyên vẹn, như chưa từng có ai đi qua. Những người chiến sĩ đã để lại những vết chân tròn ấy dọc khắp đất nước, để rồi từ đó lại mọc lên những xanh tươi đầy hy vọng, tự hào. Những dấu chân giờ là tất cả lời ca trong bài hát, được cất lên để nhớ, để thấy sự thân thương.

Người lính Trần Tiến bước ra từ cuộc chiến ác liệt với mưa bom bão đạn, lại tiếp tục sống, lại tiếp tục ôm đàn du ca. Trong bài hát quê hương đó, dù nhiều mất mát đau thương nhưng lại không một lần xuất hiện. Thay vào đó là ngọn núi, triền cát, em thơ, trường làng đầy bình dị.

2. Cùng viết về người lính thời bình, nhưng Trần Toàn (K300) lại có cách tiếp cận khác nhạc sĩ Trần Tiến. Không đi qua cuộc chiến nhưng những lời của người lính xưa đã tạo nên một nguồn cảm hứng bất tận cho rocker này. Hai người lính, bài hát từng được yêu thích gần 20 về trước trên chương trình Bài hát Việt (2006) vẫn vang lên ngày hôm nay, như một tiếng vọng mãi không ngừng.

Trần Toàn kể lại, bài hát Hai người lính được viết ra từ câu chuyện của một đồng nghiệp về cuộc gặp gỡ giữa bố của anh ấy và người từng là kẻ thù trên mặt trận trước kia. “Khi bố của người đồng nghiệp ấy ngước lên nhìn, người đàn ông Pháp kia đã nhận ra ông ấy. Sau khi hỏi tên, người đàn ông Pháp chắc chắn mình đã nhận đúng người và nói, trước đây từng là tù binh của ông trong trận Đông Khê, chiến dịch Biên giới năm 1950.”

Cùng lúc đó, Trần Toàn cũng đang đọc cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi anh đọc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, nói về trận Đông Khê đã khiến rocker này nhớ lại câu chuyện mà người đồng nghiệp kể trước đó. Trần Toàn có ý định viết một câu chuyện về đề tài chiến tranh trước khi nghĩ sẽ truyền tải bằng âm nhạc. Hai người lính, được sáng tác sau đó, trở thành một trong những ca khúc về đề tài người lính được đông đảo khán giả yêu thích.

Là những người bước ra từ cuộc chiến, một bên là người lính Việt Minh và bên kia là người lính Pháp giữa Hà Nội “một ngày bình yên trời xanh mây trắng bay”. Họ từng gặp nhau trong cuộc chiến không bao giờ quên. Người lính Việt Minh “hào hùng bài ca xưa”, còn người lính Pháp cũng trở lại chiến trường năm xưa. Người lính Việt Minh gặp người lính dù viễn chính/ người tù binh, nhớ về họng súng đã thôi nóng hơn năm thập kỷ trước đó.

Cuộc chiến là một phần của lịch sử nhưng lúc gặp lại nhau, khi tóc mỗi người đã bạc, họ đã khép lại quá khứ “đầy lòng hận thù xương máu loang” bằng một nụ cười của hoà bình. Hai người lính là một cuộc đụng độ khác của hai đầu chiến tuyến trong quá khứ cho đến cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa thời bình. Giai điệu rock ballad vừa gợi lên sự mạnh mẽ đồng thời cũng là sự êm dịu, như thể chiến đấu khốc liệt rồi cũng qua và hoà bình là điều tuyệt vời nhất. Đồng hiện quá khứ với hiện tại, với sự thanh bình, với tình yêu của tuổi trẻ, là một cách nhìn về tương lai tươi sáng. Trong suốt bài hát Hai người lính thỉnh thoảng có tiếng trẻ thơ hồn nhiên cất lên, như thể hiện cho những trong trẻo mới đang lớn lên. Âm nhạc để nhớ nhưng âm nhạc cũng là để quên, quên đi những hận thù để hướng đến tương lai.

3. Từ bài hát trữ tình Vết chân tròn trên cát được nhạc sĩ Trần Tiến viết năm năm 1981 cho đến bản rock Hai người lính của Trần Toàn K300 ra đời năm 2005 là những đi sâu vào câu chuyện của người lính thời bình, về những hào hùng và mất mát nhưng họ vẫn trìu mến và thiết tha với cuộc đời. Âm nhạc là gợi nhớ và âm nhạc cũng là để kết nối và hướng đến tương lai.

Trong nhiều năm qua, những giai điệu không thể nào quên về những năm tháng hào hùng ấy vẫn được cất lên. Từ Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cho đến Cỏ non thành cổ (nhạc sĩ Tân Huyền), Màu hoa đỏ (nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu), Tôi là anh lính binh nhất (nhạc sĩ Đỗ Bảo)... vẫn khiến người nghe xúc động. Giữa những nỗi đau khôn nguôi của người ra tiền tuyến, người ở hậu phương, là niềm tin chiến thắng, là những yên bình hôm nay. Những người lính sẽ luôn được nhớ về, những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hay những thương binh đang sống hôm nay.

Như chính nhạc sĩ Trần Tiến cũng từng nói, cuộc sống vẫn trôi đi (như phải trôi đi) và con người vẫn cho nhau những thứ cần cho. Làm người thì phải nhớ, dẫu vô thường như gió thì phải thổi, sóng thì phải vỗ. Nhưng nhớ đôi khi lại để trong lòng, không nhất thiết phải nói ra những đau thương, mà là những điều bình dị giữa đời thường của những cựu chiến binh hôm nay.

Tác giả: Nhà Linh

Nguồn tin: https://baovannghe.vn

Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây