Một cảm xúc vững chãi, cân bằng là yếu tố vô cùng quan trọng giúp mỗi chúng ta hành xử đúng mực, quyết định sáng suốt, học tập và làm việc hiệu quả. Trong khi đó, Gen Z đang đối mặt với không ít những bấp bênh về mặt cảm xúc dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau, đặc biệt là trong môi trường học đường hiện nay.
Trước thực tế này, Tọa đàm "Gen Z & vấn đề quản trị cảm xúc trong môi trường học đường” được tổ chức nhằm cung cấp cho học sinh, sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung những kiến thức xoay quanh việc quản trị cảm xúc và cách làm chủ kỹ năng này trong môi trường học đường.
Đến tham dự chương trình có Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh - Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng TE&VTN Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), hiện là Nhà tham vấn tâm lý học đường (School Counsellor) tại Trường Quốc tế Anh Việt Hà Nội (BVIS - British Vietnamese International School Hanoi). Anh từng nhiều lần tham gia công tác tham vấn về những vấn đề tâm lý phổ biến ở độ tuổi “tập lớn” tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như trở thành diễn giả tại các chương trình workshop, talkshow, podcast Tâm lý học ở các trường THPT và Đại học.
Tại toạ đàm, Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh cũng chia sẻ: “Gen Z có lợi thế so với các thế hệ khác vì được sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Các bạn có thể tiếp cận và học hỏi rất nhiều kiến thức về sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội. Các bạn cũng cởi mở hơn, chấp nhận các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần và tìm cách “hóa giải” nó. Đây là bước đầu quan trọng để hiểu sâu hơn về quản trị cảm xúc.
Tuy nhiên, anh Đức Anh cho biết, các nguồn thông tin trên không gian trực tuyến là vô cùng dồi dào, nên để lựa chọn được nguồn tin chính xác là một thách thức lớn. Nhiều người tự xem các video clip trên mạng rồi “đoán” mình bị trầm cảm, tuy nhiên trên thực tế, các bác sĩ và các nhà tâm lý cần rất nhiều bước để chẩn đoán được căn bệnh này.
Bên cạnh đó, Tọa đàm còn có sự xuất hiện của Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến - đồng sáng lập Công ty cổ phần CHY & Cộng sự (CHY Group) - thành viên chính thức của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ APA (American Psychological Association). Tham vấn viên có hơn 600 giờ (có giám sát cấp cao) tham vấn tâm lý và tham vấn hướng nghiệp với thân chủ là thanh thiếu niên, người trẻ trưởng thành, người trưởng thành, đồng thời từng tham gia nhiều hoạt động cộng đồng về cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tham vấn trị liệu miễn phí cho người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến cho biết biểu hiện của việc quản trị cảm xúc trong việc học tập và các hoạt động khác tại môi trường học đường: “Tiến trình quản trị cảm xúc bao gồm: nhận biết, đánh giá và điều chỉnh cảm xúc. Khả năng quản trị cảm xúc trong môi trường học đường được biểu hiện qua khả năng điều chỉnh, duy trì động lực để học tập và hoạt động ngoại khóa”.
Nữ tham vấn viên chỉ ra, nhiều bạn học sinh tham gia các chương trình, hoạt động do sự ép buộc của cha mẹ nên dễ cảm thấy lạc lõng khi tham gia các hoạt động này. Một người quản trị cảm xúc tốt sẽ nhận biết chương trình nào phù hợp với mục tiêu, khả năng của mình và nên tham gia. Khi đó, họ sẽ tham gia một cách rộng mở và chủ động”.
Với sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng, tọa đàm hứa hẹn sẽ giúp người trẻ hiểu sâu về việc quản trị cảm xúc cũng như nắm được phương pháp hiệu quả để thực hành quản trị cảm xúc hiệu quả đối với chính bản thân mình.
Tác giả: Việt Hoàng