Ngày 18/11, Trang tin điện tử Sóng trẻ - Học viện Báo chí & Tuyên truyền tổ chức buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền riêng tư trong tác nghiệp báo chí”.
Buổi tọa đàm không chỉ nhằm nâng cao nhận thức mà còn là cơ hội để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp bảo vệ quyền riêng tư một cách hiệu quả, đảm bảo rằng hoạt động báo chí luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và góp phần xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, minh bạch, và có trách nhiệm.
Để có cái nhìn đa chiều khi tiếp cận với chủ đề "Bảo vệ quyền riêng tư trong tác nghiệp báo chí" từ góc độ pháp luật, góc độ thực tiễn tác nghiệp báo chí, tạo đàm có sự hiện diện của ba vị khách mời: Luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt); Nhà báo Nguyễn Hồ Trí - Đài truyền hình Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Nông Thôn Ngày Nay) nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cẩn trọng trong tác nghiệp, đặc biệt với những đề tài nhạy cảm. Nhà báo chia sẻ: "Khi viết, tôi luôn đặt mình vào vị trí của nhân vật, bởi sau mỗi bài báo là danh dự, thậm chí cả sinh mạng chính trị của họ".
Dù vậy, ông cũng thừa nhận thách thức trong việc cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư và nhiệm vụ phản ánh sự thật. "Nếu quá e ngại quyền riêng tư, chúng ta sẽ không dám viết. Có nhiều câu chuyện cần được phản ánh, nhưng đồng thời cũng cần những quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo", nhà báo bộc bạch.
Nhà báo Nguyễn Hồ Trí (Đài Truyền hình Việt Nam) bổ sung rằng việc tác nghiệp với các nhóm yếu thế đòi hỏi sự khéo léo và tôn trọng sự đồng thuận của nhân vật. Theo ông, cách tiếp cận nhân văn không chỉ giúp nhân vật cảm thấy an toàn mà còn tạo điều kiện để thông điệp xã hội được truyền tải mạnh mẽ hơn. Nhà báo nhận định: "Ở Việt Nam, việc sử dụng hình ảnh và thông tin cá nhân trong báo chí có phần linh hoạt hơn một số quốc gia khác, nhưng khi tác nghiệp ở nơi công cộng hay khu vực riêng tư, việc xin phép vẫn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể".
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Phạm Thị Thu Hà - nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân TP Hà Nội - nhấn mạnh rằng quyền riêng tư đã được quy định rõ trong các bộ luật như Dân sự, Hình sự và Luật Báo chí. Luật sư lưu ý: "Việc xâm phạm quyền riêng tư có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, từ cảnh cáo đến phạt tiền, tùy thuộc vào mức độ vi phạm".
Buổi tọa đàm khép lại với thông điệp rằng sự cân bằng giữa đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và trách nhiệm xã hội chính là kim chỉ nam cho những người làm báo trong thời đại ngày nay.
Buổi tọa đàm đã mang đến nhiều góc nhìn thực tiễn về việc định hình một nền báo chí chuyên nghiệp, minh bạch và giàu trách nhiệm xã hội. Việc bảo vệ quyền riêng tư không chỉ dừng lại ở khía cạnh pháp lý, mà còn là thước đo quan trọng về đạo đức nghề nghiệp. Chính sự cẩn trọng này giúp báo chí duy trì lòng tin và sự ủng hộ từ công chúng, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong trong việc lan tỏa những giá trị nhân văn.