Hương Lan nghệ sĩ trẻ nặng lòng với chầu văn

Tôi gặp Hương Lan lần đầu tiên tại sự kiện tổng kết cuối năm của một đơn vị báo chí. Mùa đông đã đi quá nửa chặng đường nhưng Hà Nội những ngày tháng chạp trời vẫn còn rất lạnh, vậy mà cái lạnh ấy bỗng chốc như tan biến đi khi nàng nghệ sĩ trẻ Hương Lan cất giọng hát đầm ấm lên.

Tiếng hát của cô làm tôi ấn tượng mãi đến khi ra về. Chầu văn thì tôi nghe nhiều nhưng người trẻ hát chầu văn mà lại hát hay, truyền cảm thì Hương Lan là người đầu tiên tôi được nghe. Điều này thôi thúc tôi phải tìm gặp lại anh để tìm hiểu thêm về người nghệ sĩ trẻ tài năng này.

Hương Lan sinh năm 1998 tại vùng quê bánh đa Bắc Giang, cái nôi của nghệ thuật hát quan họ và chèo cổ . Những điệu chèo theo lời ru, câu hát thấm đẫm vào trong con người Hương Lan một cách rất tự nhiên nên từ khi cô còn là đứa trẻ đã bắt đầu ngâm nga những câu chèo.

Nghệ sĩ Hương Lan say sưa trình diễn những làn điệu chầu văn.

Sau khi tốt nghiệp cấp hai , Hương Lan theo học môn nghệ thuật chèo tại Trường trung cấp nghệ thuật tỉnh Bắc Giang, trong thời gian này cô có cơ hội được tiếp xúc và bén duyên với hát chầu văn, loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Nghệ sĩ Hương Lan kể: “Lần đó khi đang đi bộ tôi tình cờ được nghe cô Tuyết Tuyết hát chầu văn từ một đĩa nhạc mà ai đó bật lên. Ngay từ giây phút đó tôi đã bị cuốn hút bởi những câu hát luyến láy của làn điệu chầu văn. Tôi ngồi nghe hát mà cảm thấy cả người lâng lâng và mong muốn học hát môn nghệ thuật này. Từ đấy tôi bắt đầu tìm tòi và học hát chầu văn cũng như các loại nhạc cụ liên quan”.

Nói về lý do “say” hát chầu văn thay vì một trường phái nghệ thuật chuyên biệt nào khác, Hương Lan cho hay, ở nghệ thuật chầu văn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Vậy nên khi học và hát chầu văn cũng có nghĩa là được thử sức với nhiều loại hình nghệ thuật. Lời hát và âm điệu, nhịp điệu trong chầu văn là đặc trưng khiến nó khác biệt với những loại hình âm nhạc truyền thống khác.

Người tham gia hát văn được gọi là cung văn, cung văn không chỉ hát giỏi mà còn phải biết về các làn điệu và cách chơi nhạc cụ. Nhạc cụ để hát chầu văn cơ bản cần có đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi, ngoài ra tùy thuộc vào quy mô buổi lễ và phong tục địa phương sẽ có thêm những loại nhạc cụ khác. Để học và có thể hát được chầu văn như ngày hôm nay cô đã trải qua muôn vàn khó khăn thử thách, nếm đủ những trái đắng mới được ăn quả ngọt.

Phóng Viên: Phan Châu Giang

 

Tác giả: BBT

Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây