Phường Xuân Tảo: Nét cổ kính giữa chốn phồn hoa

Được ví như nét duyên thầm bên lề Thủ đô, phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn tự hào khi là nơi gìn giữ nhiều tinh hoa văn hóa Việt.

Xuân Tảo là một vùng đất cổ nằm ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa, được tách ra từ xã Xuân Đỉnh và chính thức thành lập vào ngày 01/04/2014. Xa xưa, Xuân Tảo có tên chữ là Quả Động, thời Lê gọi là Minh Cảo, đến giữa thế kỷ XIX mới đổi thành Minh Tảo, rồi Xuân Tảo. Phường nằm giữa một vùng có cánh đồng mênh mông bát ngát, đường giao thông đi nhiều ngả. Phía Bắc giáp Phú Thượng, Tây Hồ. Bên sông Hồng có bến Chèm, bến Xù Gạ, có thể đi đò sang Đông Anh. Phía Tây giáp Cổ Nhuế. Phía Nam giáp Nghĩa Đô. Và hướng Đông giáp Xuân La, có đường đi ngược Nhật Tân xuôi Kẻ Bưởi. 

Ảnh 1
UBND Phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội hiện nay. 

Dấu ấn kiến trúc cổ

Mảnh đất Xuân Tảo được nhiều người biết đến không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ hiếm thấy giữa lòng Thành phố, mà còn bởi nơi đây lưu giữ và bảo vệ những công trình kiến trúc lịch sử quan trọng của đất nước, niên đại lên đến vài trăm năm. Nổi tiếng nhất phải kể đến Di tích lịch sử văn hóa Đền Sóc và Di tích cách mạng kháng chiến Pháo đài Xuân Tảo.

 

Theo tục truyền về đền Sóc, sau khi thắng giặc Ân, trên đường đến ngọn núi Sóc (Phù Linh - Sóc Sơn) để bay về trời, Gióng đã dừng chân nghỉ tại làng Cáo (nay thuộc phường Xuân Tảo) để ăn nốt mo cơm và gói cà mang theo. Ăn xong, Gióng vội lên đường nên để quên một đoạn roi sắt. Để ghi nhớ sự kiện này, dân làng đã xây đền thờ tại nơi Thánh Gióng dừng chân. Trong đền có thờ một đoạn sắt của Thánh Gióng.

Ảnh 2
Đền Sóc - nơi thờ Đức Phù Đổng Thiên Vương. (Ảnh: Internet)

Đền Sóc được kiến trúc khá đồ sộ, hiện còn nhiều đồ thờ cổ như: kiệu long đình, long ngai, hương án sơn son thếp vàng, chân tảng đá thời Lê (đường kính khoảng 1m)... Dấu tích xưa được tu bổ trong khuôn viên cũ và xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.

Ảnh 3
Hàng năm, vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, Hội Gióng Xuân Đỉnh được tổ chức tại đền Sóc với các nghi lễ long trọng (rước kiệu Thánh, các hoạt động văn hoá…), thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Hà thành. (Ảnh: Internet)

Ngoài đền Sóc, khi có dịp thăm Xuân Tảo, người ta còn hay ghé đến Pháo đài Xuân Tảo. Nơi đây là một trong hai pháo đài đã nã những loạt pháo đầu tiên vào quân đội Pháp, mở màn 60 ngày đêm chiến đấu chống thực dân Pháp năm 1946. Ngày 7/10/2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Pháo đài Xuân Tảo được gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến trong niềm hân hoan, tự hào của người dân.

Bạn Phạm Tuấn Phong, 26 tuổi, quê ở Hạ Long, sinh sống và làm việc tại phường Xuân Tảo tính đến nay khoảng 6 năm cho biết: “Khi sống và làm việc tại Xuân Tảo, tìm hiểu về những di tích lịch sử trọng điểm, mình như được mở mang tri thức, cảm thấy bản thân thật may mắn vì đã chọn đúng nơi ở. Nếu không có gì thay đổi, mình sẽ tiếp tục gắn bó với nơi này như quê hương thứ hai của mình”.

Ảnh 4 1

Ảnh 4 2
Pháo đài Xuân Tảo đã góp công lớn trong chiến thắng lẫy lừng của dân tộc. (Ảnh: Internet)

 

Giữ trọn hồn Việt - nghề truyền thống

 

Một điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân Xuân Tảo đó là nghề sản xuất bánh Trung thu và mứt Tết truyền thống. Được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 19, đến nay, nghề làm mứt vẫn được chế biến thủ công nên hương vị tự nhiên, truyền thống, vang danh một thời gần như được giữ nguyên vẹn. Tùy vào công thức gia truyền của từng nhà, các loại mứt sẽ có những nét khác biệt nhỏ, nhưng nhìn chung, mứt Xuân Tảo có vị đặc trưng riêng so với nhiều loại mứt công nghiệp trên thị trường.

Ảnh 5 (1)
Cứ mỗi dịp Trung thu hay Tết đến, đi sâu vào các ngõ ngách trong phường, người ta lại thấy phảng phất thơm ngát hương bưởi, tiếng lộc cộc dập khuôn của những gia đình làm nghề truyền thống. (Ảnh: Internet)

Xuân Tảo sở hữu nhiều thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng với mỗi mùa cho ra lò vài tấn bánh nướng, bánh dẻo. Bánh Xuân Tảo tùy loại, có giá từ 20.000 đến 80.000 đồng/chiếc. Không chỉ vậy, những nghệ nhân trong phường còn thành lập Câu lạc bộ Bánh mứt kẹo Xuân Tảo để gắn kết các hộ sản xuất, hỗ trợ nhau trong kinh doanh, gìn giữ thương hiệu và hương vị cổ truyền. 

Bạn Phạm Tiến - người dân Xuân Tảo, là khách quen của thương hiệu bánh trung thu Bảo Phương chia sẻ: “Giữa hàng ngàn thương hiệu bánh trung thu hiện đại, mẫu mã bắt mắt, Bảo Phương vẫn là lựa chọn duy nhất của mình. Mình yêu hương vị truyền thống và mong sẽ có ngày càng nhiều cơ sở sản xuất những món ăn truyền thống để dân thấy được cái đẹp, cái đáng quý của đất nước”. 

Ảnh 6
Bánh trung thu Bảo Phương là thương hiệu bán bánh truyền thống “đắt khách” nhất nhì Hà Nội, có chủ là người gốc Xuân Tảo. (Ảnh: Internet)

Nghề làm bánh - mứt - kẹo truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nơi đây. Hơn hết, việc tiếp nối nghề từ lâu của cha ông giúp phát huy, lan tỏa giá trị truyền thống, lưu giữ những tinh hoa, đặc sản quê hương và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hy vọng trong tương lai, bóng hình Việt Nam xưa vẫn sẽ hiện lên trọn vẹn trong nét cổ kính, nguyên sơ của phường Xuân Tảo. Đồng thời, niềm hạnh phúc với một cuộc sống đủ đầy, sung túc của người dân sẽ tràn ngập xóm làng, góp phần làm giàu đẹp Tổ quốc. 

Tác giả: Mai Chi

Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây